Củ tỏi là một loại nguyên liệu vô cùng quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, để biết ăn tỏi mỗi ngày có tốt không và bí quyết ăn tỏi đúng cách để tăng cường sức đề kháng mùa dịch, hãy cùng Vườn Nhiên theo dõi bài viết dưới đây nhé!
>>Xem thêm: 9 công dụng của hành lá và cách chọn hành lá tươi ngon
Ăn tỏi mỗi ngày có tốt không?
Củ tỏi là một thực phẩm vô cùng tuyệt vời, chứa nhiều vitamin B6, vitamin C, mangan và selen. Nó còn giàu các khoáng chất khác như sắt, kali, canxi, phốt pho và đồng. Với lượng dinh dưỡng dồi dào này, củ tỏi mang đến những công dụng “thần kỳ” mà hiếm có thực phẩm nào sánh bằng. Hãy cùng tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn ăn tỏi mỗi ngày nhé!
Giúp giảm cân
Ngoài công dụng của một dược liệu và là gia vị không thể thiếu trong căn bếp, tỏi còn có một lợi ích khiến chị em vô cùng thích thú chính là hỗ trợ giảm cân.
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc chỉ ra củ tỏi có liên quan đến khả năng giảm cân nhờ hợp chất allicin. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng năm 2011, có một mối liên hệ mật thiết giữa tỏi và việc đốt cháy chất béo. Chiết xuất tỏi từ lâu đã được biết đến ở khả năng hỗ trợ giảm cân khi kết hợp với các hoạt động thể dục thể thao.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch có thể được cải thiện nhờ những hợp chất có trong tỏi. Một nghiên cứu với tỏi kéo dài trong 12 tuần đã đi đến kết luận: bổ sung tỏi vào chế độ ăn hằng ngày sẽ giúp số lần mắc cảm cúm giảm đến 63% so với khi dùng các giả dược.
Do vậy, để ngăn ngừa cúm hay cảm nhẹ thông thường, đừng quên thêm tỏi vào các món ăn của mình mỗi ngày nhé.
Cải thiện bệnh huyết áp cao
Huyết áp cao vốn là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh về tim mạch, đột quỵ.
Một nghiên cứu trong 24 tuần đã khẳng định, 600mg – 1500mg chiết xuất tỏi sẽ mang đến hiệu quả không khác gì thuốc Atenolol trong việc làm thuyên giảm tình trạng huyết áp cao. Liều lượng này được cho là ngang bằng với 4 tép tỏi mỗi ngày.
Giảm thiểu cholesterol và nguy cơ bị bệnh tim
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỏi giúp giảm thiểu lượng cholesterol toàn phần và những cholesterol xấu LDL khoảng 10 – 15%.
Tuy vậy, nghiên cứu cũng chỉ mới kết luận tỏi làm giảm cholesterol xấu LDL chứ chưa chứng minh được sử dụng tỏi có ảnh hưởng gì đến cholesterol tốt HDL hoặc triglycerides hay không.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Củ tỏi chứa chất chống oxy hoá giúp cơ thể chống lại những tổn thương từ quá trình lão hoá.
Nghiên cứu đã chỉ ra, khi sử dụng tỏi liều cao sẽ giúp cơ thể sản xuất ra các loại enzyme chống oxy hoá, giúp giảm các vấn đề liên quan đến bệnh huyết áp cao.
Ngoài ra, dùng tỏi cũng có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cũng như sự sa sút trí tuệ.
Giải độc do các kim loại nặng
Với một liều lượng tỏi đáng kể đưa vào cơ thể, các hợp chất sulfur trong tỏi sẽ bảo vệ các cơ quan của cơ thể hạn chế được những nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng.
Một nghiên cứu kéo dài trong 4 tuần được thực hiện trên cácg công nhân sản xuất bình ắc quy ô tô – những người tiếp xúc trực tiếp với chì, đã cho thấy tỏi có thể giảm lượng chì trong máu lên đến 19%.
Không chỉ vậy, tỏi còn giúp giảm đi nhiều dấu hiệu lâm sàng của việc nhiễm độc, trong đó tình trạng đau đầu và sự bất ổn định của huyết áp.
Giúp cải thiện sức khỏe cho xương
Củ tỏi và hành tây có những công dụng vô cùng hữu ích đối với bệnh viêm xương khớp. Một nghiên cứu thực hiện trên phụ nữ mãn kinh đã cho thấy, khi sử dụng một liều chiết xuất từ tỏi khô (tương đương với 2 gr tỏi sống) hàng ngày sẽ làm giảm đáng kể những dấu hiệu bị thiếu hụt estrogen.
Một nghiên cứu khác thực hiện trên chuột cũng chỉ rõ việc dùng tỏi giảm thiểu khả năng bị loãng xương thông qua việc làm tăng hàm lượng estrogen có trong chuột cái.
Kích thích vị giác
Công dụng cuối cùng này của tỏi hầu như không liên quan lắm đến sức khoẻ nhưng lại cực kỳ quan trọng. Củ tỏi sẽ mang đến cho món ăn vị nồng thơm rất đặc trưng, nhất là các loại nước xốt, các món xào, món mì, hay thậm chí món bánh,…Và tỏi thì rất dễ tìm. Bạn có thể sử dụng tỏi sống, tỏi băm nhỏ, tỏi phi hay bột tỏi đều tốt cả.
Sử dụng tỏi trong dự phòng bệnh do virus corona chủng mới có tác dụng không?
Tại Việt Nam, theo các kinh nghiệm dân gian, thực phẩm đơn giản, rẻ tiền và dễ tìm như tỏi lại có khả năng phòng chống bệnh cúm hiệu quả. Một nghiên cứu vào năm 2014 của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Western của Australia đã chứng minh được rằng đối với nhóm đối tượng sử dụng tỏi hàng ngày, sự xuất hiện của bệnh cúm thông thường thấp hơn so với nhóm không dùng tỏi.
Ngoài ra, sử dụng tỏi còn có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh cúm, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Theo các nghiên cứu, tỏi chứa hợp chất allicin và hợp chất này chỉ hình thành khi tỏi được ép hoặc nhai. Allicin chứa lưu huỳnh nên khiến tỏi có hương vị rất đặc trưng.
Tuy nhiên hợp chất allicin này không bền mà nhanh chóng chuyển sang những hợp chất chứa lưu huỳnh khác, qua đó mang đến những công dụng chưa bệnh không ngờ. Những hợp chất này hỗ trợ tăng cường khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh của bạch cầu khi bạch cầu trong cơ thể gặp một số loại virus gây bệnh, chẳng hạn như virus cảm cúm thông thường.
Đối với các trường hợp bị bệnh viêm phổi cấp do virus corona thì triệu chứng ban đầu rất giống với cúm. Dù chưa có nghiên cứu cụ thể đối với những trường hợp bị viêm phổi do virus corona chủng mới, song việc dùng tỏi để nâng cao sức đề kháng cho đường hô hấp hàng ngày, phòng cúm và các nguy cơ mắc bệnh là thật sự hợp lý.
Thực tế, không phải bất cứ ai tiếp xúc với mầm bệnh cũng bị mắc bệnh, mà nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc nhiều vào sức đề kháng và tính cảm nhiễm trong cơ địa mỗi người. Vậy nên sử dụng tỏi hàng ngày thế nào cho có tác dụng, Vườn Nhiên xin chia sẻ một số biện pháp như sau.
Ăn tỏi như thế nào cho đúng cách?
Khi dùng củ tỏi để tăng sức đề kháng cho cơ thể và nhiều lợi ích khác, cần ghi nhớ một số lưu ý để giữ được tối đa các lợi ích của tỏi.
Nghiền nát và để 10 phút trước khi chế biến
Trong củ tỏi có enzyme alliinase, nó là chất được hình thành sau quá trình chuyển hợp chất allicin sang allicin có lợi. Enzyme alliinase chỉ thật sự có tác dụng ở một số điều kiện cụ thể. Đặc biệt, nó có thể vô tác dụng khi bị đun nóng quá lâu. Các nghiên cứu chỉ rằng với thời gian đun nóng 60 giây trong lò vi sóng hay 45 phút ở lò nướng, enzyme alliinase sẽ mất tác dụng.
Tuy nhiên nếu củ tỏi được ép hoặc nghiền ra và giữ 10 phút trước khi nấu ăn có thể ngăn chặn tình trạng mất công dụng phòng bệnh ở tỏi trong quá trình nấu nướng. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng việc tỏi bị mất một phần công dụng do nấu nướng có thể bù lại bằng việc tăng số lượng tỏi được sử dụng.
Dưới đây là cách chế biến giúp giữ lại tối đa lợi ích sức khỏe của củ tỏi:
- Nghiền hoặc xắt tỏi thành lát mỏng và để trong ít nhất 10 phút trước khi ăn sống hoặc chế biến. Lý do là vì tỏi sau khi băm nhuyễn và để trong thời gian đủ lâu thì enzyme có trong tỏi mới sinh ra chất allicin giúp giảm viêm và chống lại quá trình oxy hóa.
- Hãy sử dụng nhiều hơn 1 tép tỏi mỗi người/ngày nếu có thể.
Với những người không thích mùi vị của tỏi, thay vì dùng tỏi tươi, có thể sử dụng một số các chế phẩm từ tỏi, bao gồm:
- Các loại thực phẩm chức năng tỏi
- Tinh chất tỏi già
- Dầu tỏi
- Bột tỏi
Một số công thức chế biến tỏi dễ áp dụng
Nước ép tỏi
Củ tỏi tươi đập dập và để khoảng 15 phút rồi pha với một chút nước ấm, uống như nước chè. Một ngày nên sử dụng khoảng 1-2 tép tỏi sống.
Tỏi dùng trong nấu ăn hàng ngày
Đập dập tỏi trước khi chế biến khoảng 15 phút, sau đó bỏ trực tiếp tỏi vào món ăn. Lưu ý không nên đun nấu hoặc phi tỏi ở nhiệt độ quá cao.
Tỏi ngâm giấm
Củ tỏi đem ngâm với dấm và dùng như một gia vị trong bữa ăn, mỗi ngày dùng từ 1-2 tép.
Tỏi ngâm mật ong
Củ tỏi lột bỏ vỏ, rửa lại bằng nước sạch sau đó để ráo. Tiếp theo cắt lát mỏng hoặc đập dập tỏi. Lấy 1 lọ thủy tinh rửa sạch, để khô, rót mật ong và tỏi vào với tỷ lệ tương ứng 100ml mật/15gr tỏi. Đóng kín nắp lọ và ngâm trong 14-20 ngày là có thể sử dụng. Muốn để hơn thì có thể cho lọ tỏi ngâm mật ong vào bảo quản trong tủ lạnh rồi dùng dần.
>>Xem thêm video: Lưu ý khi làm Tỏi ngâm mật ong và tác dụng Tỏi mật ong
Cách dùng tỏi để tăng sức đề kháng ở trẻ em?
Trẻ em thường không thích uống nước tỏi do mùi vị của nó. Do vậy, bạn có thể thử áp dụng cách sau:
Đập dập củ tỏi và để trong 15 phút, sau đó nướng củ tỏi đến khi có mùi thơm (không được nướng ở nhiệt độ quá cao). Cuối cùng, lấy củ tỏi đã nướng ngâm vào nước ấm, rồi lấy nước đó cho trẻ uống. Nếu trẻ ăn được xác tỏi thì sẽ tốt hơn.
Cần ăn bao nhiêu tỏi một ngày là đủ?
Lượng tỏi tươi tối thiểu dùng trong 1 ngày là 1 tép tỏi (ăn từ 1 đến 2 tép/ngày). Nếu sử dụng chiết xuất tỏi già thì lượng thông thường là 600mg-1200mg/ngày. Không nên dùng quá nhiều so với lượng tỏi được khuyến cáo vì có thể gây độc.
Không nên ăn lúc đói
Tỏi có tính phân huỷ và kích thích lên niêm mạc dạ dày, niêm mạc ruột rất mẽ. Do vậy, không nên ăn tỏi lúc đói, đặc biệt là những người mắc các bệnh về tiêu hoá, bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.
Không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, bạn không nên ăn tỏi sống vì allicin trong tỏi sẽ kích thích thành ruột làm mạch máu bị tắc nghẽn, phù nề và một số biến chứng khác.
Không sử dụng cho người bị bệnh gan
Những người mắc các vấn đề về gan cần hạn chế sử dụng tỏi, do tỏi có tính nóng và vị cay làm nóng gan, dùng lâu dần sẽ gây hại cho gan.
Những món ăn kỵ với tỏi
Thịt gà: Theo lời lương y Bùi Đắc Sáng, thịt gà có tính ấm (ôn) và tính ngọt (cam), do vậy khi kết hợp cùng củ tỏi là tính đại nhiệt (nóng) sẽ khiến món ăn trở nên nóng, khó tiêu và dễ sinh táo bón hoặc kiết lị. Nếu bạn bị táo bón vì ăn gà kết hợp tỏi, để nhanh khỏi, bạn nên nấu nước lá dâu uống.
Cá trắm: Mặc dù cá trắm rất ngon, thịt chắc và bổ dưỡn song trong khi chế biến, bạn nên ướp cá trắm với thì là và gừng thay vì tỏi. Do cá trắm có tính bình và vị ngọt nên không phù hợp với củ tỏi, khi cho tỏi (tính nóng) vào sẽ dễ bị chướng bụn, khó tiêu.
Cá diếc: Đây là loại thực phẩm này giúp thông huyết mạch, bổ âm huyết, bổ thể nhược, ích khí tiện tì, lợi tiểu tiêu sưng, thanh nhiệt giải độc, khử phong thấp, thông mạch hạ sữa, tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu ăn chung cá diếc với tỏi có thể dẫn đến khả năng tăng co giật đường tiêu hóa.
Trứng: Theo Đông y, trứng ăn cùng với củ tỏi dễ gây khó tiêu, chướng bụng và đầy hơi. Hơn nữa, tỏi khi chiên cháy sém quá nhiều cũng sẽ không tốt cho sức khỏe
Ngoài ra, còn một số món khác cũng kỵ với củ tỏi như:
- Thịt dê, thịt chó ăn với tỏi thường gây nóng, chướng bụng, khó tiêu,…
- Tỏi ăn cùng mật ong dễ gây ra tiêu chảy
- Tỏi không nên kết hợp với các loại thuốc bổ hoặc các thảo dược như hà thủ ô, địa hoàng, đan bì (mẫu đơn bì), …
- Tránh kết hợp củ tỏi với đinh hương, gừng, hạt dẻ ngựa, cỏ ba lá đỏ, bạch quả, nghệ, cây liễu, cây dương để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.