Chè hạt sen vô cùng bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ cũng như mọi người ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, hạt sen không dễ sử dụng và rất hay bị cứng (sượng). Vườn Nhiên sẽ mách bạn cách hấp thụ dưỡng chất tốt nhất từ hạt sen và những cách nấu chè hạt sen không bị cứng cực hay sau đây!
>>Xem thêm: Củ sen là gì? 11 lý do củ sen được gọi là “báu vật” mùa thu tốt hơn cả nhân sâm
Cách hấp thụ dưỡng chất tốt nhất từ hạt sen
Tương tự như cách tiêu thụ các loại hạt dinh dưỡng khác, hạt sen cũng có thể được ăn như một món ăn vặt, hoặc cũng có thể trở thành gia vị bổ sung thêm vào các món ăn khác. Đây là những cách để chúng ta có thể bổ sung nguồn dưỡng chất tuyệt vời từ hạt sen.
Ăn hạt sen với liều lượng vừa phải: Một bữa ăn thông thường theo tiêu chuẩn là khoảng 28 gram/ ngày. Dù biết rằng hạt sen không có độc hại gì cho cơ thể nhưng ăn nhiều quá thì sẽ không tốt, gây các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là táo bón. Chính vì thế, bạn nên kết hợp chúng với liều lượng vừa phải thôi nhé.
Ăn vặt bằng hạt sen: Hạt sen cũng có thể làm thành món ăn tương tự như bắp rang, chắc chắn các bé nhà bạn sẽ thích mê mệt món ăn bổ dưỡng này đấy. Ngoài ra bạn cũng có thể chế biến các món ăn vặt khác từ hạt sen như mứt hạt sen, chè hạt sen nha đam, chè vải hạt sen, hoặc sữa hạt sen.
Bổ sung hạt sen vào nhiều món ăn: Để thực đơn của bạn thêm phong phú mà vẫn đảm bảo được các dưỡng chất cần thiết, bạn cũng có thể chế biến nhiều món ăn từ hạt sen và kết hợp cùng với các loại thực phẩm khác nhau như gà tre tần hạt sen thuốc Bắc, xôi đỗ hạt sen, cháo hạt sen sườn non, cháo gà hạt sen,…
Không bỏ tâm sen nếu bạn muốn ngủ tốt hơn: Như Nhiên đã chia sẻ trước đó, tâm sen là một trong những thành phần chính có tác dụng giúp an thần. Vì vậy, nếu bạn muốn tận dụng lợi ích này của hạt sen thì bạn không nên bỏ phần tim sen khi chế biến, hoặc là bạn cũng có thể chuyển sang uống trà tâm sen để giúp cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên cũng không cần dùng quá nhiều tâm sen để tránh tác dụng phụ như Nhiên chia sẻ ở trên nhé. Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, thói quen vận động của bạn cũng góp phần đáng kể trong việc cải thiện giấc ngủ đấy.
Không ăn sống tim sen chưa qua chế biến: Tuy rằng tim sen được sử dụng làm món chính trong các công thức thực phẩm giúp an thần, nhưng bạn cũng cần chế biến trước khi sử dụng, vì ăn tim sen tươi nhiều quá một lúc cũng có thể gây ngộ độc cho cơ thể của bạn. Tâm sen được dùng để uống như trà an thần thì cần phải được sao vàng trước khi uống.
Bạn có thể tự sao tâm sen tại nhà bằng chảo, cách làm này cũng gần giống như chúng ta rang lạc thôi. Chờ chảo nóng rồi chúng ta cho tâm sen vào chảo, đảo đều, giữ cho lửa nhỏ. Đến khi nào thấy tâm sen chuyển sang màu vàng và có mùi thơm thì bạn cần bẻ thử ra xem, bên ngoài vàng và bên trong vẫn giữ được màu xanh là được. Sau đó thì đổ tâm sen ra mâm cơm có lót giấy báo phía dưới để tầm khoảng 10 – 15 phút, khi tâm sen đã nguội thì chúng ta cất vào lọ để pha trà uống dần.
4 cách nấu chè hạt sen ngon
1. Chè hạt sen nhãn nhục
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200 g
- Đường phèn: 120 g
- Nhãn khô: 50 g
Cách làm:
- Hạt sen tươi đã lột vỏ lụa, bỏ tim sen và nấu lửa nhỏ vừa mềm.
- Nấu 400 ml nước cùng với đường phèn cho đến khi tan đều, hớt bọt thật kỹ. Cho hạt sen vào nấu nhỏ lửa để cho thấm.
- Cuối cùng cho nhãn khô vào nấu nở đều. Có thể tăng hoặc giảm lượng đường tùy theo sở thích của bạn thích ngọt nhiều hoặc ít.
- Chè sen nhãn nhục có thể ăn nóng hoặc lạnh.
2. Món chè sen táo đỏ
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200 g
- Đường phèn: 200 g
- Táo đỏ khô: 100 g
Cách làm:
- Hạt sen cần nấu lửa nhỏ, để làm mềm. Đường phèn nấu với 0,5 lít nước để cho tan đều, hớt bọt kỹ.
- Cho táo khô, hạt sen vào nấu riu riu cho thấm đường. Khi thấy táo đỏ nở đều là được. Có thể tăng hoặc giảm lượng đường tùy theo ý thích ăn ngọt nhiều hay ít của bạn.
- Chè sen táo đỏ có thể ăn nóng hoặc lạnh.
3. Chè hạt sen đường phèn
Nguyên liệu
- 500g hạt sen tươi (có thể thay bằng 300g hạt sen khô)
- 50g dừa nạo (không bắt buộc)
- 100g đường phèn
Các bước thực hiện
Sơ chế nguyên liệu
Khi mua hạt sen về để nấu, bạn cũng có thể dùng hạt sen tươi hoặc khô đều được. Tuy nhiên để có được một món chè hạt sen ngon nhất thì bạn cần chọn hạt sen tươi và lựa ra những hạt mẩy, phần đầu mở miệng, bạn không nên chọn những hạt sen có phần đầu đóng chặt. Hạt sen tươi nhanh chín, có vị thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với hạt sen khô.
Nếu dùng hạt sen tươi, bạn nên lột lớp vỏ bên ngoài, dùng tăm nhọn để loại bỏ phần tim sen rồi rửa sạch lại với nước nóng. Lưu ý không nên rửa lại hạt sen với nước lạnh. Sau đó ngâm hạt sen với nước nóng khoảng 3 – 4 tiếng để hạt sen nở đều.
Với hạt sen khô bạn cũng cần ngâm trước khi chế biến khoảng 1 ngày. Trong quá trình ngâm, hạt sen cũng có thể hút nước nên bạn phải thường xuyên theo dõi và bổ sung lượng nước cần thiết.
Nấu chè hạt sen
Mẹo nhỏ để hạt sen mềm ngon và không bị sượng trong quá trình đun nấu chính là phải sử dụng nước nóng hoặc nước ấm toàn bộ. Sau khi đã sơ chế và làm sạch hạt sen, bạn cần cho hạt sen vào nồi, đổ ngập nước rồi mới nấu trên bếp khoảng 5 phút, sau đó vớt hạt sen ra và rửa lại với nước ấm. Việc làm này giúp loại bỏ mủ, nhựa có trong hạt sen để khi nấu, nước chè sẽ trong và ăn ngon miệng hơn.
Tiếp theo, bạn cần đun sôi 1,5 lít nước rồi cho hạt sen vào nấu. Đun hạt sen cùng nước lạnh là một cách làm sai lầm mà nhiều người mắc phải khiến cho hạt sen dễ bị sượng.
Trong khi nấu, nếu hạt sen vẫn chưa chín mềm mà nước trong nồi đã gần cạn, bạn cho thêm nước nóng vào và tiếp tục đun tiếp, không được để hạt sen tiếp xúc với nước lạnh vì nước lạnh có thể sẽ khiến hạt sen co lại và bị sượng. Khi hạt sen đã chín tới thì tắt bếp, tránh nấu quá lâu có thể làm hạt sen bị nát.
Cho đường phèn vào một nồi sạch khác, rồi bắc lên bếp nấu với lửa vừa để cho đường tan hết, tắt bếp rồi chờ đợi phần nước đường lắng cặn xuống, lọc lấy phần nước trong. Nếu bạn dùng đường phèn tinh chế thì không cần làm bước lọc này.
Sau khi hạt sen được nấu chín mềm, bạn cần cho phần đường phèn đã lọc vào khuấy đều, đun lửa liu riu trong khoảng 5 – 10 phút để hạt sen có thể thấm đường rồi sau đó tắt bếp. Chú ý là chỉ cho đường sau khi hạt sen đã chín mềm, không nên cho đường ninh cùng hạt sen vì sẽ làm hạt sen bị sượng.
Để chè nguội bớt rồi múc ra ly, rắc thêm dừa nạo và thưởng thức.
Bạn cũng có thể ướp lạnh chè hạt sen trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn cho thêm một ít đá bào vào dầm, món chè hạt sen mát lạnh sẽ càng tuyệt vời hơn.
4. Chè hạt sen củ năng
Món Chè này có vị ngọt thanh của nước mía lau, bùi bùi của hạt sen, củ năng vừa ngon miệng lại vừa có tác dụng giải nhiệt, giúp an thần rất tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu:
- 1 bó mía lau, lá dứa, rễ tranh, râu bắp, mía cây
- 200g hạt sen
- 300g củ năng
- 100g đường cát.
Cách nấu:
- Củ năng cần gọt vỏ, rửa sạch, thái làm 4 hoặc 5 phần.
- Bó mía lau rửa sạch, rồi cho vào nồi đun sôi với 2 lít nước lọc. Khi nước đã sôi, cho 100g đường cát vào và khuấy tan. Đun sôi lại, sau đó tắt bếp, lọc bỏ bã, lấy nước. Cho vào nồi, cho củ năng vào rồi nấu chín. Nếm lại thấy có vị ngọt dịu, thanh là được.
- Hạt sen cần cắt bỏ đầu, tim. Đem đi luộc hoặc hấp chín
- Khi ăn, nên múc nước mía lau, củ năng và hạt sen vào ly, có thể dùng lạnh với đá hoặc để lạnh trước khi ăn.
Yêu cầu thành phẩm
Chè hạt sen thường có màu vàng nhạt, nước chè sánh mịn, thơm ngon, có vị ngọt thanh và dịu nhẹ của đường phèn. Hạt sen thường chín bở, mềm nhừ nhưng lại không nát, khi ăn sẽ cảm nhận được mùi vị bùi bùi, béo béo rất là hấp dẫn.
Lưu ý để có món chè hạt sen ngon
- Nếu không có hạt sen tươi thì cũng có thể dùng hạt sen khô để nấu chè. Nếu nấu bằng sen khô cần ngâm hạt sen trong nước cho nở rồi bắt đầu nấu. Thời gian nấu bằng hạt sen khô sẽ kéo dài hơn sen tươi.
- Có thể nấu chè sen với lá dứa hoặc cho hoa lài tươi vào chè tùy theo ý thích của bạn.
Cách xử lý khi hạt sen bị sượng
Hạt sen là một trong những nguyên liệu khó sử dụng, có độ nguyên chất, độ khô và thời gian ninh hạt sen là một trong những yếu tố có thể tác động đến việc chế biến hạt sen. Trường hợp bạn nấu hạt sen bị sượng, có thể tham khảo những gợi ý khắc phục sau đây:
- Thay nồi ninh hạt sen bằng nồi áp suất hoặc nồi cơm điện. Nồi áp suất sẽ cung cấp đủ nhiệt lượng cần thiết để ninh hạt sen mềm nhừ.
- Bạn nên cho vào một chút giấm ăn hoặc thuốc muối (baking soda) để làm giảm độ sượng. Tuy nhiên cần phải lưu ý những chất phụ gia này chỉ nên cho ở mức vừa phải để không gây ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
- Nếu kéo dài thời gian ninh lâu hơn mà hạt sen vẫn chưa mềm nhừ như ý muốn, bạn cũng có thể chuyển sang nồi gang và đun liu riu bằng bếp than hồng. Khi hạt sen đã được nấu sôi thì hạ lửa nhỏ rồi hầm đến khi cháy hết phần than hồng trên bếp. Trong quá trình đun, nếu nồi hạt sen bị cạn nước thì bạn chỉ cần cho nước sôi vào, tuyệt đối không sử dụng nước lạnh.
Trên đây là những gợi ý cách nấu chè hạt sen không bị cứng hi vọng với những thông tin bổ ích mà Vườn Nhiên chia sẻ này, sẽ giúp bạn làm ra một món chè hạt sen thành công, thơm ngon thanh mát ngày hè.
>>Xem thêm video: Chè Nhãn Hạt Sen – Cách nấu Chè Hạt Sen long nhãn thơm mát nước trong