Bên cạnh chúng ta có rất nhiều thực phẩm bổ dưỡng mang lại tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Một trong số đó chính là bột sắn dây. Tuy bột sắn dây là thức uống vô cùng quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết cách uống bột sắn dây sao cho hiệu quả nhất. Nếu sử dụng và chế biến bột sắn dây sai cách có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe.
>>Xem thêm: 4 món chè ngon từ hạt sen và cách nấu chè hạt sen không bị cứng
Bột sắn dây là gì?
Bột sắn dây được làm chủ yếu từ phần củ của cây sắn dây. Cây sắn dây là cây dây leo họ đậu, trồng ở rất nhiều nơi ở nước ta để làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Hầu hết các bộ phận cây sắn dây đều có thể dùng làm thuốc nhưng theo Đông Y, bộ phận tốt nhất chính là củ sắn dây.
Để làm ra bột sắn dây, người ta lấy củ sắn dây và làm sạch, xay nhuyễn với nước rồi lọc đi để tinh bột sắn dây dần lắng xuống. Sau đó đem phơi khô phần bột này rồi bẻ ra thành từng miếng nhỏ chứ không xay mịn như các loại bột khác. Thành phẩm cuối cùng là những viên dạng bột rắn, có màu trắng.
Bột sắn dây là nguyên liệu quen thuộc của người Việt, có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau như làm nước giải khát, nước uống giảm cân, làm bánh, nấu chè, cháo, súp, làm mặt nạ, làm thuốc…
Giá trị dinh dưỡng của bột sắn dây
Ngoại trừ tinh bột (12 – 15%, thành phần bột sắn dây còn chứa các Isoflavone – hoạt chất tự nhiên mang chức năng gần giống Estrogen. Ngoài ra, bột sắn dây còn chứa nhiều hoạt chất khác như: Daidzein, Puerarin, Genistein…
Những hoạt chất này đều là mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nếu biết sử dụng đúng cách. Cụ thể đó là lợi ích gì, cùng Vườn Nhiên tìm hiểu trong phần tiếp theo nhé!
Tác dụng của bột sắn dây với sức khỏe
Giải độc, chữa trị nghiện rượu
Rượu, bia cùng nhiều đồ uống có cồn đều gây hại cho sức khỏe, nhất là khi uống quá nhiều hoặc cơ địa nhạy cảm thì có thể bị tình trạng dị ứng cồn, dễ gây nguy hiểm cho tính mạng. Dùng bột sắn dây có thể giúp hạ huyết áp, giải độc, bảo vệ tế bào gan, chống loạn nhịp tim, giúp làm giảm cơn say.
Ngoài ra, theo Tờ Natural News, vào thời kỳ Trung Quốc cổ đại, người ta sử dụng sắn dây như một phương pháp trị nghiện rượu và giảm lượng rượu hấp thụ vào cơ thể. Ngoài ra, bột sắn dây còn giúp giảm cholesterol trong máu, giảm thiểu những bệnh về tim mạch.
Hỗ trợ cho hệ tiêu hóa
Nhiều bác sĩ khuyến cáo sử dụng bột sắn dây để hỗ trợ tiêu hóa cho những bệnh nhân bị ruột kích ứng và viêm loét dạ dày. Sắn dây ở dạng tinh bột khi đưa vào cơ thể sẽ làm trung hòa lớp axit, từ đó giúp người bị đau dạ dày cảm thấy dễ chịu hơn.
Làm đẹp da, làm mờ vết tàn nhang
Bột sắn dây có công dụng giải độc, thanh nhiệt rất cao, đẩy lùi được các độc tố tích tụ trong cơ thể một cách nhanh chóng; giúp giảm mụn, trả lại một làn da trắng sáng, mịn màng cho bạn.
Trong sắn dây có chứa nhóm hoạt chất Isoflavone giúp làm mờ nám và tàn nhang. Chất này vốn có hoạt tính Estrogen tương tự giống như hormone Estrogen ở người phụ nữ. Ngoài ra, bột sắn dây còn có thể dùng như một loại tẩy tế bào chết tự nhiên vô cùng hiệu quả.
Giải cảm, chống say nắng
Say nắng hay say nóng thuộc vào chứng trúng thử trong y học cổ truyền. Nói cách khác, là trúng nóng, trúng nắng. Khi người bệnh bị cảm nắng kèm theo nhức đầu, sốt nóng, nôn oẹ, nóng ruột, bạn có thể sử dụng 12gr bột sắn dây hòa với đường để uống thì những triệu chứng trên sẽ giảm đi nhanh chóng.
Hoặc có thể thử cách khác: sử dụng 12gr đậu ván giã dập, 20gr cát căn để sắc nước uống trong ngày. Đơn giản hơn thì bạn có thể dùng bột sắn dây pha với nước đường cũng đủ đem lại hiệu quả.
Cải thiện vòng 1
Sắn dây rất giàu Lexithin và Protein – những chất giúp sản sinh nội tiết tố nữ Estrogen, có thể giúp vòng 1 của chị emtrở nên căng tròn và săn chắc hơn.
Bột sắn dây còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt và nội tiết tố nữ. Bạn chỉ cần sử dụng bột sắn dây pha với nước nóng và để nguội, uống 2 lần/ngày vào 2 ngày đầu sau ngày “đèn đỏ”, da dẻ trở nên hồng hào, bớt mụn.
Giải khát, chống đói hiệu quả
Bột sắn dây còn có giải khát và chống đói hiệu quả, đặc biệt đối với người bị cao huyết áp, đau đầu, bị nhiệt miệng. Những lúc phải lao động nặng nhọc hoặc đi đường xa về mệt, bạn lấy bột sắn dây pha với nước sôi để nguội, thêm chút đường sẽ thấy bớt khát, đỡ mệt, giảm say nắng. Có thể phối hợp bột sắn dây với rau má cho thêm mát và tăng công hiệu
Tốt cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi rất mạnh mẽ về hormone, dẫn đến việc giảm nhu động ruột. Do vậy thai phụ thường gặp các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, chán ăn, táo bón, nóng trong người,… Nhờ vào lượng Plavonodit cao hỗ trợ chống oxy hóa, tăng tuần hoàn nên bột sắn dây được khuyến khích dùng cho phụ nữ mang thai, rất mát, bổ và dễ uống.
Ngoài ra, chất Folate trong bột sắn dây khá cao, có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tạo ra DNA cũng như sự phân chia tế bào. Loại Vitamin B này cần được bổ sung xuyên suốt cả thai kỳ để giúp chống tình trạng khuyết tật ống thần kinh.
Bột sắn dây còn là một nguồn cung cấp sắt tự nhiên đáng để cân nhắc. Chỉ cần uống một cốc nước từ bột sắn dây, bạn đã có thể bổ sung đến 13% lượng sắt cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, giúp chống lại tình trạng thiếu máu, nhất là ở phụ nữ mang thai. Do vậy, bột sắn dây được xem là loại thực phẩm tốt cho bà bầu.
Hướng dẫn cách uống bột sắn dây tốt cho sức khỏe
Sai lầm khi sử dụng bột sắn dây
1. Uống dạng “sống” thay vì nấu chín
Bột sắn dây uống sống hay chín tốt? Đa phần mọi người hay lầm tưởng bột sắn dây pha với nước lạnh hay nước nóng tùy ý. Tuy nhiên, đây chính là một thói quen cực kỳ tai hại. Tuyệt đối cần phải nấu chín bột sắn dây trước khi đưa vào cơ thể vì nguyên liệu này có tính hàn rất mạnh, nếu uống sống thường xuyên sẽ dễ gây ra những vấn đề về sức khỏe.
Thêm vào đó, theo lời TS. Hồ Thu Mai – Khoa Dinh dưỡng, thuộc Bệnh viện Vinmec, “Bột sắn dây thường được chế biến theo phương thức thủ công. Trong quá trình lọc tinh bột có thể không lọc hết những tạp chất, tinh bột sắn bị nhiễm khuẩn. Để đề phòng nguy cơ tiêu chảy, đau bụng, tốt nhất nên pha bột sắn với nước sôi để làm chín bột sắn dây, hoàn toàn không nên đem pha với nước nguội”.
Đặc biệt, với trẻ em càng cần phải nấu chín bột sắn dây. Nếu cho trẻ em uống bột sắn dây ở dạng ‘sống’, các bé sẽ dễ bị lạnh bụng và có khẳ năng bị tiêu chảy.
2. Uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày
Mỗi người không nên uống vượt quá 1 ly bột sắn dây mỗi ngày. Bởi dù bột sắn dây tốt nhưng khi dùng quá liều sẽ khiến loại bột này trở nên phản tác dụng.
3. Thêm mật ong vào sắn dây
Trước khi kết hợp bột sắn dây với thực phẩm khác, bạn cần tìm hiểu bột sắn dây kỵ với những thứ gì? Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là thêm mật ong vào bột sắn dây để uống. Các nghiên cứu đã chứng minh, hai nguyên liệu này kết hợp với nhau sẽ tạo thành chất độc cực mạnh. Do đó, tránh việc sử dụng bột sắn dây theo cách này.
4. Thêm hoa bưởi để tăng hương vị
Hiện có công thức thêm hoa bưởi vào trong nước sắn dây để làm gia tăng hương vị. Tuy nhiên cách này không mang lạihiệu quả, đồng thời còn làm giảm tính dược liệu của bột sắn dây.
5. Thêm nhiều đường vào nước sắn dây
Thêm nhiều đường vào nước sắn dây sẽ không tốt cho sức khỏe. Khi muốn dùng bột sắn dây uống với đường để giải rượu thì chỉ nên pha một chút đường để vừa đủ ngọt man mát.
Cách uống bột sắn dây mang lại hiệu quả cao nhất
1. Cách uống giảm cân
Nguyên liệu:
- 01 thìa canh bột sắn dây
- 01 cốc nước sôi
- 01 thìa canh nước cốt chanh
Cách thực hiện:
B1: Cho bột sắn dây vào ly thủy tinh, vừa đổ nước sôi vào vừa dùng thìa khuấy đều tay để bột chín đều, không bị tình trạng vón cục.
B2: Cho thìa nước cốt chanh vào, trộn đều là có thể thưởng thức ngay.
Bạn nên uống 1 ly nước bột sắn dây pha nước chanh này vào buổi sáng, trước bữa ăn khoảng 20 phút để đạt được hiệu quả giảm cân tối đa, đồng thời cải thiện làn da một cách tối ưu.
2. Cách uống thay trà trong ngày
Củ sắn dây đem thái phiến, phơi hoặc sấy khô, chứa trong lọ kín để dùng trong một thời gian dài. Mỗi ngày chỉ cần lấy 20 – 30gr hãm với nước sôi trong bình đậy kín, sau 20 phút là có thể dùng uống thay trà trong cả ngày. Có thể thêm chút đường phèn để dễ uống hơn.
3. Cách uống tốt cho người cao huyết áp, nhiệt miệng, đau đầu, cổ vai đau nhức
Củ sắn dây thái phiến và câu đằng với số lượng bằng nhau, hai thứ đem đi tán vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong một lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày chỉ cần lấy 30gr đựng trong túi vải buộc cho kín miệng rồi hãm với nước sôi trong bình đậy kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là nước giải khát rất tốt cho người bị cao huyết áp, nhiệt miệng, đau đầu, cổ vai đau nhức.
4. Cách uống tốt cho người mắc bệnh tim mạch
Củ sắn dây 200gr, đan sâm 180gr, bạch linh 90gr và cam thảo 60g. Tất cả các thành phần này đem sấy khô tán vụn, đựng trong bình kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy khoảng 40gr hãm với nước sôi chứa trong bình kín, sau khoảng 20 phút thì có thể dùng được, uống thay trà dùng trong ngày. Thứ nước giải khát này cực tốt cho những người mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng.
Uống bột sắn dây lúc nào là tốt nhất?
Thời điểm uống bột sắn dây tốt nhất nên trong khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn trưa hoặc ăn tối, không nên uống vào buổi sáng, trừ khi bạn muốn uống giảm cân. Uống vào thời điểm này sẽ cực kỳ an toàn cho sức khỏe và giúp cơ thể hấp thụ tốt nhất các chất bổ có trong sắn dây.
Thận trọng khi dùng bột sắn dây cho phụ nữ mang thai
Dù sắn dây rất tốt cho phụ nữ mang thai, nhưng nếu bạn cảm thấy người mình đang bị lạnh, cơ thể có vẻ yếu ớt, mỏi mệt, huyết áp có biểu hiện bị hạ thấp thì tuyệt đối không nên uống bột sắn dây vì bột sắn dây có thể khiến cơ thể bạn mệt mỏi hơn.
Đặc biệt, tuyệt đối không được cho những thai phụ có dấu hiệu bị động thai ăn hoặc uống bột sắn dây vì có thể khiến cho tử cung bị co bóp mạnh dẫn đến sảy thai.
>>Xem thêm video: Cách nấu bột sắn dây ăn không biết ngán
Nội dung rất hữu ích. tks ad