Rau mầm được mệnh danh là loại thực phẩm siêu lành mạnh cho những bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Vậy hãy cùng Vườn Nhiên tìm hiểu xem tác dụng của rau mầm đối với sức khỏe của chúng ta là gì nhé!
Rau mầm là gì?
Rau mầm là loại rau sạch, được trồng từ các loại hạt giống như đậu xanh, đậu đỏ, cải bẹ xanh, cải ngọt, cải cúc, rau dền… Ăn rau mầm, bạn sẽ cảm nhận được vị cay, nồng và một chút ngọt.
Thời gian thu hoạch của rau mầm thường rất ngắn, chỉ từ 4 đến 15 ngày tuổi. Khác với những loại rau thông thường, rau mầm không sử dụng đất thật, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng thuốc tăng trưởng. Chính vì vậy, tác dụng của rau mầm luôn được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng mang lại cho sức khỏe của mỗi người.
Thành phần dinh dưỡng của rau mầm
Theo một số nghiên cứu, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong rau mầm cao gấp 5 lần so với rau thông thường. Bên cạnh cung cấp cho cơ thể những vitamin cần thiết như vitamin A, B, C, E… rau mầm còn chứa nhiều chất xơ, canxi, axit amin.
Ngoài ra, đây còn là loại rau cung cấp dồi dào hàm lượng carotene, chlorophyl, đạm dễ tiêu. Nhờ vậy, rau mầm ngày càng được sử dụng rộng rãi và luôn được các bà nội trợ ưu tiên thêm vào trong thực đơn hàng ngày của gia đình.
Tác dụng của rau mầm mẹ cần biết
1. Bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Rau cải mầm có tác dụng gì? Có thể kể đến tác dụng của rau mầm đầu tiên là tốt cho hệ tiêu hóa. Bởi lượng chất xơ dồi dào có trong rau mầm giúp hệ tiêu hóa tránh được các tình trạng như táo bón.
Đặc biệt, rau mầm chứa hàm lượng enzyme sống cao có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng. Nhờ những enzyme tiêu hóa, khi ăn rau mầm cơ thể bạn sẽ đẩy lùi chứng đầy hơi và khó tiêu.
Hơn nữa, trong rau mầm còn có hàm lượng gluten thấp nên hệ tiêu hóa của bạn sẽ được cải thiện.
2. Ngăn ngừa ung thư
Theo Nhà dinh dưỡng Sheela Sehrawat ở New Delhi, thành phần của rau mầm non có glucoraphanin gấp 10 đến 100 lần.
Đây là một loại enzyme bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư. Hơn nữa, nó cung cấp chất chống oxy hóa và tăng hoạt động của chất diệp lục giúp giải độc cơ thể của bạn bằng cách tăng cường mức oxy trong cơ thể.
3. Tăng cường tuần hoàn máu
Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, phòng ngừa ung thư, ăn rau mầm thường xuyên còn giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh. Theo đó các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng rau mầm chứa axit béo omega-3 sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol tốt và làm giảm cholesterol có hại trong mạch máu. Từ đó, hệ tuần hoàn máu được vận hành trơn tru, cung cấp máu đến não và tim nhanh chóng.
4. Tác dụng của rau mầm giúp giảm cân
Một trong những thực phẩm được khuyến khích dành cho người giảm cân chính là rau mầm. Mặc dù chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng rau mầm lại có lượng calo không đáng kể. Do vậy, bạn có thể thoải mái ăn rau mầm mà không phải lo lắng về vấn đề cân nặng.
5. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Như đã nói ở trên, rau mầm chứa hàm lượng vitamin C dồi dào và nó cũng được xem là một chất kích thích các tế bào bạch cầu trong cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đồng thời, lượng vitamin A trong rau mầm non có một số đặc tính chống oxy hóa giúp củng cố và cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả.
6. Cải thiện sức khỏe thị lực, một công dụng của rau mầm
Hẳn là bạn cũng đã biết vitamin A có mối liên quan mật thiết đến sức khỏe thị lực. Hàm lượng vitamin A có trong rau mầm không chỉ tăng cường sức đề kháng mà còn giúp bạn cải thiện tình trạng thị lực. Vì vậy, hãy ăn rau mầm để có một đôi mắt sáng khỏe.
7. Tác dụng của rau mầm giúp hạn chế rụng tóc và kích thích mọc tóc
Bạn cảm thấy bối rối khi tóc càng ngày càng thưa, da đầu nhờn, nhiều gàu hoặc tóc bạc sớm? Chớ vội lo. Bởi bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục được những tình trạng này bằng cách ăn rau mầm thường xuyên. Sự hiện diện của hàm lượng vitamin A, vitamin B, kẽm, chất chống oxy hóa… có trong rau mầm sẽ giúp bạn có mái tóc chắc khỏe.
8. Công dụng của rau mầm giúp làn da khỏe và tươi trẻ
Đây đúng là tin vui dành cho chị em. Ăn rau mầm vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp làn da khỏe, tươi trẻ hơn. Vitamin C và chất chống oxy hóa có trong loại rau non này có khả năng bảo vệ da, cung cấp độ đàn hồi cho da. Đồng thời, hàm lượng axit béo omega-3 có thể giúp da của bạn tránh được tình trạng mụn trứng cá.
Các loại rau mầm
Rau mầm thực sự tốt đối với sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng các loại rau mầm phổ biến như:
- Rau mầm họ cải: củ cải trắng, cải đỏ, cải ngọt, cải thìa, cải xoong, cải mầm…
- Rau mầm họ đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu Hà Lan.
- Ngoài ra còn có mầm lạc, vừng; mầm hạt rau muống, rau dền; mầm hạt hướng dương; mầm mướp đắng.
Rau mầm nấu món gì?
Để thay đổi khẩu vị cho cả nhà, các mẹ có thể tham khảo một số cách chế biến rau mầm dưới đây:
1. Rau mầm trộn dầu giấm
Nguyên liệu:
- 200g rau mầm
- 2 củ hành tím
- 2 thìa súp giấm
- 1 thìa súp đường
- 1/2 thìa cà phê muối
- 2 thìa súp dầu ăn
- 1 củ tỏi
Cách làm:
- Rửa sạch rau mầm, để ra rổ cho thật ráo nước.
- Tỏi bỏ vỏ, đập giập và phi vàng với dầu ăn.
- Pha 2 thìa súp giấm với 1 thìa súp đường, 1/2 thìa cà phê muối.
- Hành tím thái mỏng, ngâm trong bát nước có pha chút giấm để bớt mùi hăng.
- Cuối cùng, cho rau mầm vào một tô to, đổ hỗn hợp vừa pha vào trộn đều. Cho rau mầm ra đĩa và rải tỏi phi, hành tím lên trên.
2. Bò trộn rau mầm
Cách làm gỏi bò trộn rau mầm vừa ngon vừa chống ngán cho bữa cơm nhà bạn là một gợi ý mà MarryBaby muốn chia sẻ.
Nguyên liệu:
- 200g rau mầm
- 200g thịt bò
- 1 nắm hành tím
- Cà rốt
- 3 tép tỏi
- Đậu phộng (lạc) rang giã nhỏ
- 2 trái ớt tươi
- Giấm
- Đường
- Dầu mè
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Rau mầm rửa sạch, để ráo nước.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và bào thành sợi. Ngâm cà rốt trong chậu nước có pha chút muối loãng và 1 thìa súp giấm.
- Hành tím thái mỏng, phi vàng.
- Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng rồi ướp cùng một ít tiêu, hạt nêm, dầu mè trong khoảng 15 phút.
Bước 2: Chế biến
- Tỏi phi thơm, cho thịt bò vào xào đến khi chín tới thì vớt ra đĩa. Không nên xào quá kỹ, thịt bò sẽ dai.
- Cho rau mầm và cà rốt, thịt bò vào tô lớn. Sau đó thêm 1 thìa súp dầu mè, 3 thìa súp giấm, 1 thìa súp nước mắm, 2 thìa súp nước lọc, ớt cắt nhỏ và trộn đều.
- Cuối cùng, cho ra dĩa và rắc thêm hành phi, lạc lên trên để món ăn được thơm ngon hơn.
Cách trồng rau mầm tại nhà
♦ Chuẩn bị: Khăn giấy (loại thường), khay nhựa, có thể dùng khay inox hoặc xoong nồi để thay thế.
♦ Cách trồng:
- Ngâm hạt: Ngâm hạt giống theo tỷ lệ nước, 2 sôi 3 lạnh. Chú ý loại bỏ những hạt lép. Đối với thời gian ngâm hạt củ cải trắng, củ cải đỏ là khoảng 5-6 tiếng. Còn thời gian ngâm hạt rau muống thì lâu hơn, trung bình khoảng 10-12 tiếng. Kết thúc thời gian ngâm hạt, bạn rửa lại với nước sạch.
- Gieo hạt: Trải khăn giấy vào khay. Tưới ướt đẫm lớp khăn giấy rồi rải đều hạt lên trên. Tiếp tục tưới ướt hạt, đưa khay đựng vào nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.
- Chăm sóc: Sử dụng bình phun sương tưới 1-2 lần trong ngày vào sáng và tối. Đến ngày thứ 3, đưa khay đựng ra ánh sáng. Sau 7 ngày, bạn đã có thể thu hoạch thành quả của mình rồi đấy.
Phương pháp này bạn cũng áp dụng tương tự đối với các loại hạt như đậu đen, đậu nành, lúa mạch, đậu gà…
Lưu ý khi sử dụng rau mầm
Tác dụng của rau mầm rất có ích, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, bạn cần đặc biệt chú ý một vài điều sau để tránh những rủi ro không mong muốn:
- Theo nhà dinh dưỡng Sheela, nguy cơ ô nhiễm chéo trong rau mầm là rất cao vì chúng chứa các enzyme sống và một số vi khuẩn nguy hiểm bao gồm e-coli. Chính vì vậy, mọi thứ đều phải đảm bảo thật sạch, kể cả khay đựng, hạt giống.
- Tốt hơn hết, bạn chỉ nên sử dụng hết rau mầm trong vòng 2-3 ngày.
- Rau mầm thực sự rất tốt nhưng không vì thế mà bạn ăn quá nhiều.